Blogger Widgets

Wednesday, March 5, 2014

Tuyên bố về Điều 258 nhân phiên tòa xét xử nhà báo Trương Duy Nhất

QLB
 - Ngày 4/3/2014, trong một phiên toà “công khai” nhưng công chúng bị phong toả nghiêm ngặt, bất chấp lời bào chữa của Ls. Trần Vũ Hải, blogger - nhà báo tự do Trương Duy Nhất đã bị toà án nhân dân Đà Nẵng sử dụng khung phạt “nghiêm trọng” của điều luật 258 để tuyên án 2 năm tù, sau khi bị bắt giam khẩn cấp từ tháng 5/2013. Rõ ràng là nhà báo Trương Duy Nhất đã bị chính quyền bắt giam và bỏ tù vì những bài viết từ trang blog "Một góc nhìn khác" của mình. Trong đó, ông chỉ thể hiện quyền và nghĩa vụ của người công dân qua việc chỉ trích chính quyền, thẳng thắn chỉ trích Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm về tình trạng "hỗn loạn chính trị" và "tham nhũng không kiểm soát nổi" ở trong nước, đề nghị họ nên từ chức đồng thời nêu lên những lo lắng về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Như mọi người đã biết, điều 258 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” là một điều luật mơ hồ đã được chính phủ Việt Nam sử dụng triệt để nhằm đàn áp tiếng nói chỉ trích của công dân. Cụ thể, chính quyền Việt Nam đã bắt giam blogger Lê Nguyễn Hương Trà (Cô Gái Đồ Long) trong năm 2010 và 3 blogger hoạt động cho dân chủ và quyền con người (Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy) trong tháng 5 và tháng 6 năm 2013 bằng các suy diễn áp đặt từ điều luật 258. Trong tuyên bố gửi đến LHQ và các cơ quan ngoại giao quốc tế, Mạng lưới blogger Việt Nam đã xem điều luật 258 là hành động vi phạm bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, vi phạm điều khoản về quyền tự do tư tưởng, tự do thu nhận, quảng bá tin tức và truyền đạt ý kiến.

Con Đường Việt Nam cực lực phản đối bản án nói trên và cho rằng:

1. Quy trình xét xử và bản án đối với nhà báo Trương Duy Nhất ngày 4/3/2014 đang phô bày một chính quyền tiếp tục gia tăng đàn áp lên các công dân vốn chỉ bày tỏ chính kiến bất đồng của mình một cách ôn hoà.

2. Hành động này của chính quyền không chỉ làm tổn thương hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn xói mòn thêm mối quan hệ giữa chính quyền và người dân trong hoàn cảnh đất nước đang chịu nhiều thử thách về chính trị, an toàn lãnh thổ và xã hội như hiện nay.

Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam, một thành viên của Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sớm xem xét lại bản án để trả tự do cho nhà báo Trương Duy Nhất, loại bỏ điều 258 để thể hiện đối thoại thay vì đối đầu với những chỉ trích, bất đồng chính kiến của công dân.

Chúng tôi kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và dư luận quốc tế hãy cùng lên án chính quyền Việt Nam trong bản án sai trái này và coi sự kiện truy tố, quy trình xét xử và bản án áp đặt lên nhà báo Trương Duy Nhất là một trong những bằng chứng tiếp tục và rõ ràng hơn nữa trong những vụ việc vi phạm quyền con người của chính quyền Việt Nam, bất chấp những khuyến nghị cụ thể về điều 258 mà các nước đã nêu lên trong buổi Điều trần định kỳ (UPR) lần thứ 18 vừa qua.

TM. Con Đường Việt Nam
Lê Quốc Tuấn
Ngày 4 tháng 3 năm 2014

No comments: